Việt Nam mới chỉ có Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Trung cấp Lao động tiền lương ở Hóc Môn, Viện Phát triển nguồn nhân lực (TPHCM), Công ty CPDV tư vấn và phát triển nguồn nhân lực BCC... đào tạo những khóa nhỏ như quản trị nguồn nhân lực, quản lý hành chính, các khóa về tiền lương, khóa kỹ năng làm nhân sự.
Thoạt nghe thấy "oách"...
Có khá nhiều việc dành cho một người làm nhân sự: Tuyển dụng, đào tạo, phỏng vấn, làm lương, bảo hiểm, hợp đồng, báo cơm, nghỉ phép, tăng lương, thưởng, xử lý kỷ luật, làm hồ sơ người lao động nghỉ việc... Tất nhiên không ai có thể "ôm đồm" một lúc quá nhiều công việc như thế, nhưng với những công ty nhỏ ít người, có nhân viên phải "gánh" từ 3 - 5 đầu việc. Chỉ những công ty lớn mới phân chuyên mảng, chẳng hạn nhân viên tuyển dụng, nhân viên làm lương, nhân viên phụ trách đào tạo...
Bộ phận nhân sự gần như là "rốn" của một tổ chức, công ty , nhất là những công ty mới thành lập. Cái "rốn" này sẽ là nơi tuyển chọn các vị trí quan trọng lẫn bình thường cho tất cả các phòng, ban, bộ phận khác. Nghe thì "oách" vậy, nhưng thực ra mức thu nhập của người làm nhân sự hiện nay lại chưa "oách" chút nào. Trung bình lương một nhân viên nhân sự từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Chỉ những người làm lâu năm, có vị trí trợ lý, hoặc trưởng phòng thì có thể thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng. Và nếu ai làm nhân sự cho các công ty nước ngoài thì mức lương có thể cao gấp hai, ba lần...
Bận như "nuôi con mọn"
Nghề nhân sự có tính ổn định, lâu dài và ít phải chịu áp lực về chỉ tiêu như các bộ phận khác như marketing, bán hàng, tiếp thị... Song, ai muốn làm nghề nhân sự phải chuẩn bị tâm lý "như nuôi con mọn". Chị Thu Trang, cựu nhân viên nhân sự của công ty may mặc, xuất khẩu Hàn Quốc N.B đúc kết về nghề nhân sự bằng câu: "Bận như nuôi con mọn".
Chị Minh Nhựt, nhân viên phòng nhân sự ở một hệ thống siêu thị, quận 12 cho biết, phòng chị chỉ có ba người nên chị vừa tham gia phỏng vấn ứng viên, vừa phải làm những việc lặt vặt khác như điều động, tham gia khuân vác khi hàng về; tổ chức sinh nhật; tổ chức tour du lịch rồi kiêm "săn sóc viên" cho nhân viên; thậm chí khi nhân viên trúng gió, mấy chị em làm nhân sự cũng phải "xúm" lại cạo gió, xức dầu... Người làm nhân sự vừa là người phải biết quan tâm đến nhân viên nhưng đồng thời cũng phải đại diện cho công ty dàn xếp các mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ trong những trường hợp cần thiết.
So kinh nghiệm - đo bằng cấp
Với những vị trí tuyển dụng khác, bằng cấp khá quan trọng, càng nhiều bằng cấp càng dễ được đánh giá cao. Nhưng với công việc nhân sự, các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao kinh nghiệm thực tế. Vậy kinh nghiệm đào đâu ra?
Nhiều nhà tuyển dụng đã từng khuyên các bạn sinh viên mới ra trường rằng nên nộp hồ sơ ở các công ty lớn, có uy tín để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng nghề nhân sự thì ngược lại. Các bạn sinh viên, những người yêu thích công việc liên quan đến nhân sự nên tìm việc ở các công ty nhỏ.
Vì có thể công ty yêu cầu nhân viên mới làm nhiều việc, nhiều khâu. Không nên nề hà, chính những việc lặt vặt này sẽ là kinh nghiệm thực tế cho mỗi người. Sinh viên mới ra trường, trong thời gian đi học, có làm thêm hoặc thực tập những công việc gần với công việc của nhân sự cũng sẽ được nhà tuyển dụng chú ý hơn, chẳng hạn như hành chính, chi trả lương, làm thủ tục bảo hiểm, theo dõi kế hoạch đào tạo...
Những công ty lớn bao giờ cũng đánh giá cao, trọng dụng nhân viên biết nhiều kỹ năng liên quan như làm ở bộ phận phỏng vấn phải hiểu cách xử lý mâu thuẫn; làm hồ sơ tuyển dụng cũng phải làm được tiền lương... Tất nhiên, những công ty lớn thường thiết lập bộ máy hành chính nhân sự chuyên nghiệp nên họ thường chọn người làm nhân sự đa năng, nhưng chỉ giao việc nào phù hợp với chuyên môn nhất để nhân viên đó nỗ lực và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
St.