(ĐTCK) 39 tuổi ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã CK: DQC), doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa và từng bước vực dậy Công ty sau khủng hoảng về thị trường, với kết quả kinh doanh ngày càng khởi sắc, những gì Hồ Quỳnh Hưng làm được với DQC không hề “bình thường giống bao anh em khác” như những gì ứng viên xuất sắc của Giải thưởng “EY – Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2014” này tự nhận.
Về DQC bởi một chữ “duyên”
Ở tuổi 43, Hồ Quỳnh Hưng đã có tới 4 năm đảm nhận “ghế nóng” tại DQC. Anh kể, việc anh trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của DQC đều bắt nguồn từ một chữ “duyên”.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. HCM chuyên ngành công nghệ thông tin năm 1994, đồng thời sở hữu trong tay tấm bằng quản trị kinh doanh, Hồ Quỳnh Hưng về làm việc cho CTCP Nhựa Rạng Đông, với vị trí là cán bộ xuất nhập khẩu. Năm 1996, anh về đầu quân cho Công ty Giày Hiệp Hưng, doanh nghiệp xuất khẩu giày da đình đám trong nước lúc bấy giờ. Dù là cán bộ trẻ, ra trường chưa được bao năm, nhưng nhờ rèn luyện phấn đấu dần dần anh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc xuất nhập khẩu của Giày Hiệp Hưng.
Làm giày có chu kỳ, năm được năm không, vài năm liền Công ty rơi vào khó khăn, nhưng do cơ chế hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước thiếu linh hoạt, chậm chuyển biến nên Công ty càng khó khăn. “Tôi chán quá, quyết định ra riêng, không đi làm thuê cho ai nữa. Tôi vẫn khoái tự làm thôi, mình tự làm nhỏ nhỏ cũng được, rồi từ từ gây dựng lên”, anh nhớ lại. Và năm 2000, anh quyết định “ra riêng”, lập Công ty TNHH Việt, chuyên xuất nhập khẩu giày vì đam mê với giày vẫn lớn.
Buổi ban đầu, Công ty chỉ có 3 nhân sự chính, anh vừa là thành viên sáng lập, góp vốn vừa đảm nhận mọi công việc từ lớn đến nhỏ. Chỉ với 150 triệu đồng vốn giắt lưng, lại ít kinh nghiệm trên sân chơi xuất khẩu, Công ty gặp không ít khó khăn. Rồi Công ty cũng nhận được một đơn đặt hàng lớn từ Mexico. Nhận định đây là cơ hội để tạo dựng thương hiệu và vị thế của Công ty trên thị trường xuất khẩu, anh quyết tâm thực hiện bằng mọi giá. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, anh không ngại đi từ Nam chí Bắc tìm cơ hội thuê nhân công, nhà xưởng. Từ những lần tiếp xúc này, Hưng tìm ra cơ hội lấn sân sang lĩnh vực gia công nhựa.
Năm 2007, DQC tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh bằng hình thức thâu tóm các công ty cùng ngành nghề và Công ty TNHH Việt lọt vào tầm ngắm của DQC. Khi đó, Hưng có nhà máy nhựa, chuyên làm ổ cắm, phích cắm điện, một trong những ngành chủ lực của DQC. DQC mua lại công ty TNHH Việt 51% và anh vẫn được giữ lại làm Giám đốc công ty thành viên. Năm 2008, Hồ Quỳnh Hưng được điều động về làm Phó tổng giám đốc DQC quản lý Nhà máy Đồng An, một nhà máy chủ lực của Công ty. Tới khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DQC bà Hồ Thị Kim Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương, HĐQT DQC đã nhất trí cao bầu anh thay thế.
Vực dậy Công ty sau khủng hoảng thị trường
Hồ Quỳnh Hưng cho biết, giai đoạn năm 2006 - 2007 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của DQC, nhưng sang năm 2008, khách hàng lớn nhất là Cuba nợ tới hơn 1.000 tỷ đồng và lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đến năm 2009 thì dừng hẳn đơn hàng. Nợ khó đòi lớn, lại khủng hoảng thị trường, Công ty rơi vào tình cảnh rất khó khăn.
“Tình hình Công ty lúc đó rất bi đát, lương thấp, công nhân không muốn đi làm. Cứ 5 giờ sáng, tôi đã phải rời nhà và làm việc đến tận nửa đêm”, Hồ Quỳnh Hưng chia sẻ. Để tìm hướng ra cho Công ty, Ban Tổng giám đốc DQC đã quyết định thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tiên là thương lượng lộ trình thanh toán với khách hàng Cuba, ký thỏa thuận nới tiến độ thanh toán. Tìm được hướng thu hồi nợ, Công ty tiếp tục tính đến bài toán xử lý hàng tồn, rồi đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới. Cuối năm 2008, DQC ký được hợp đồng liên doanh với Tập đoàn Dầu khí công nghiệp Venezuela để xây dựng khu liên hợp sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện có diện tích 80.000 m2, công suất thiết kế 74 triệu bóng/năm. Tới nay, Liên doanh tại Venezuela đã khánh thành được hai năm và đi vào hoạt động tương đối ổn định.
Năm 2013, doanh thu của Công ty tăng trưởng 26% so với năm 2012, vượt 14,7% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 149,7%, vượt 134,6% kế hoạch năm. 6 tháng đầu năm 2014, Công ty có doanh thu 592,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 43,65 tỷ đồng cùng kỳ năm 2013. Tại thời điểm 30/6/2014, nợ gốc của khách hàng Cuba còn lại khoảng 429 tỷ đồng. Những gì Hồ Quỳnh Hưng làm được với DQC đã xóa tan những nghi ngờ về năng lực hoạch định chiến lược, điều hành doanh nghiệp của Hưng trong buổi đầu nhậm chức, không chỉ vì tuổi đời khá trẻ của anh mà còn vì mối quan hệ ruột rà với cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty. Tại ĐHCĐ thường niên 2013, Hồ Quỳnh Hưng tái đắc cử vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DQC nhiệm kỳ 2013-2017.
Kiên trì với hoạt động kinh doanh cốt lõi
Theo cơ cấu tổ chức mới, định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn chuyên sâu trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện, DQC đã đầu tư và chuyên môn hoá một số lĩnh vực hoạt động trong ngành, thành lập 5 công ty thành viên và 2 công ty liên doanh: một công ty phân phối, ba công ty tư vấn - thiết kế và thi công các hệ thống M&E công nghiệp và dân dụng, một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nhựa kỹ thuật phục vụ ngành điện; một công ty sản xuất dây cáp điện và một công ty chuyên sản xuất các mạch điều khiển điện tử và bo mạch cho đèn LED.
“DQC không hướng đến sự phát triển bứt phá đột ngột. Nói như thế không có nghĩa là bỏ qua cơ hội bứt phá, mà chúng tôi phải bảo đảm sự phát triển bền vững. 2 năm qua, nhìn chung thị trường trong nước khó khăn, tăng trưởng doanh thu chỉ đạt 12-15%, giảm mạnh so với mức 20 - 30% trước đây, nhưng chúng tôi đánh giá con số này là ổn”, Hồ Quỳnh Hưng chia sẻ.
Thừa nhận giai đoạn 2007 - 2008, khi thị trường bất động sản đang trong cơn sốt, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư cho lĩnh vực này, DQC cũng có lúc “lạc đi chút xíu”, nhưng Hồ Quỳnh Hưng cho biết, Ban lãnh đạo DQC đã kịp thời quay lại ngành nghề cốt lõi và chính chiến lược này, Công ty đã vượt qua những giai đoạn khó khăn. Kế thừa chiến lược đó từ những thế hệ lãnh đạo trước, mục tiêu mà vị Chủ tịch trẻ tuổi đặt ra với DQC là phát triển Công ty thành một tập đoàn đa quốc gia, đầu tư chuyên sâu và khép kín. Công ty sẽ tiếp tục triển khai hệ thống phân phối tại các thị trường tiềm năng như Myanmar, Lào, Campuchia…
“Tôi cũng bình thường như những anh em khác”
Hồ Quỳnh Hưng luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, bởi “doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững khi gắn với yếu tố con người”. Anh chia sẻ, tại DQC, văn hóa doanh nghiệp được chú trọng để tôi luyện những tinh thần kiên quyết, đồng lòng không lùi bước trước khó khăn.
Hồ Quỳnh Hưng tự hào về công nghệ thổi thủy tinh của DQC, “mỗi công nhân là một nghệ nhân” mà theo anh, hiếm có công ty nào về sản xuất bóng đèn trong nước cũng như khu vực có được. Anh tự tin, DQC không xác định cạnh tranh về giá mà cạnh tranh từ sự sáng tạo.
Tự nhận mình cũng bình thường như những anh em khác, Hưng cho biết: “Tôi tôn trọng những tính cách cá nhân để mọi người tự do phát huy sáng tạo một cách chuyên nghiệp và liêm chính. Gần gũi anh em, tôi thấy mình học được nhiều hơn, chia sẻ được nhiều hơn. Vì vậy, tôi luôn khuyên những người trẻ tại DQC muốn thành công thì phải có đam mê và luôn tìm tòi học hỏi. Chỉ có học hỏi không ngừng mới có thể sáng tạo và phát triển”.
Chính nhờ niềm tin của vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DQC vào năng lực sáng tạo của những người trẻ tuổi, nên trong số cán bộ giữ vị trí chủ chốt tại Công ty, không hiếm những gương mặt thuộc thế hệ 8X.
Theo tailieunhansu.com